Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014


     Về hưu- với mình- thật sự là sự giải thoát. Y như Tôn Ngộ Không được tháo vòng kim cô vậy.
     Mấy năm cuối của cái kiếp làm công ăn lương, công việc đối với mình còn đáng sợ hơn bị tra tấn. Việc thì nhàn, tay nghề thì mình đã thành thợ kịch bậc, phảy tay cái cũng xong tất nhưng mình cảm thấy không thể cứ tiếp tục làm được- chính xác hơn phải nói là không thể tiếp tục chịu đựng được-  nữa. Không có gì khốn nạn hơn là cái công việc mà mình biết rõ rằng nó rất vô tích sự với đời đã thế lại còn là việc tiếp tay- dù chỉ là chút xíu- cho sự dối trá trong xã hội ngày một nặng nề thêm nhưng vẫn cứ phải làm hàng ngày, chỉ vì miếng cơm, manh áo!
     “ Bồi bút”- Đó là từ chính xác nhất đối với những kẻ làm báo nói riêng và tất cả những kẻ cầm bút nói chung trong xã hội này.
     Mình, làm nghề liên tục 28 năm, đã kinh qua đủ loại hình báo: phát thanh, báo viết, truyền hình, điện tử với số “tác phẩm” đã đăng, phát có lẽ không dưới một chục nghìn, kể từ cái tin còm 50 chữ đến cái phóng sự -tài liệu 38 phút phát sóng. Mình đã sống đúng như cụ Tô Hoài đã nói với mình hôm thành lập Hội Văn học-Nghệ thuật Hà Tây: “ bọn mình chỉ là kẻ bán chữ thôi...”Tự kiểm điểm lại một cách nghiêm túc nhất (dĩ nhiên là thế vì chỉ có mình đối diện với mình), suốt 28 năm ấy, mình đã luôn tâm niệm và làm theo cái ý sau cụ Tô Hoài bảo: “...có điều, mình làm sao phải bán chữ cho lương thiện” nhưng không phải lúc nào mình cũng làm được.
    Cái được của mình là chưa bao giờ viết bài hoặc làm chương trình truyền hình có ý “nịnh thối” những thằng lãnh đạo. Một số vị được mình khen trong những việc cụ thể nào đó là thật lòng, mình thấy đúng là việc tốt trong phần con người tử tế của họ. Mình cũng hay phải viết, làm những cái gương “ Người tốt, việc tốt” nhưng chỉ chọn những người bình thường, không có chức sắc, địa vị gì. Với lại, mình không quan niệm “ người tốt, việc tốt” như các giáo trình báo chí đã dạy mà quan niệm “ người tốt” là “ người tử tế” còn “ việc tốt” là những “ nét đẹp đời thường”, là “ việc thiện” ai cũng nên làm. Một phần đáng kể những bài viết của mình có tính phát hiện, nêu được những chuyện, những việc, những vấn đề bất cập, tiêu cực, “vô lý đùng đùng” của bộ máy công quyền, qua đó bảo vệ những người thấp cổ bé họng. Mình coi đây là đóng góp đáng nói nhất trong đời cầm bút vì nó cho phép mình vẫn có thể tự nhận là một trong số những người tử tế.
    Phần lớn nhất trong đống “ tác phẩm báo chí” của mình là những tin, bài vô thưởng vô phạt,  chỉ cốt mục đích duy nhất là lấy nhuận bút, rất nhiều tin, bài mà trước, trong và sau khi viết tự mình đã thấy “nhạt thếch, chán chết” nhưng vẫn cứ làm, cứ đăng, phát vì cái gu của các báo, đài là thế. Đấy là vô số những bài viết về các vụ án, những câu chuyện cảnh giác, truyện nghiệp vụ...Có cái được của mình trong những tin, bài viết này là tuyệt đối, không bao giờ mình sa đà vào những chi tiết, tình tiết phản cảm như kiểu bọn phóng viên ngày nay viết về “ cướp, giết, hiếp”, tóm lại là không chịu “ lá cải hóa” bài viết của mình.
     Một cái được khác mà mình tâm đắc nhất là thái độ “ vị nghệ thuật” xuyên suốt trong cuộc đời viết báo của mình. Mình bao giờ cũng trân trọng từng câu, chữ; luôn thận trọng, cân nhắc khi sử dụng từ ngữ và coi trọng phép tu từ. Khi viết, dù là cái tin còm đến cái phóng sự dài, mình luôn cố gắng tìm tòi cách thể hiện mới, không lặp lại cho nên ngay cả những bài mình coi là “ nhạt thếch, chán chết” vẫn có sức hấp dẫn với người đọc và trước hết là với người biên tập, ai cũng phải thừa nhận là các bài viết của mình “ có văn”. Mặt khác, mình lại có tư duy logic khá mạnh nên các bài viết đều có cấu trúc khá hoàn chỉnh, chặt chẽ, mạch lạc khiến các tay biên tập đều phải thừa nhận: “ bài của mày một là vứt bỏ không sử dụng, hai là sử dụng nguyên xi, không cắt gọt vì...đ. biết cắt gọt chỗ nào”!
     Thế nhưng, trong suốt 28 năm làm báo, mình lúc nào cũng có cảm giác ngượng ngùng, xấu hổ vì thấy mình vẫn là một thằng bồi bút. Vì miếng cơm, manh áo mình vẫn cứ phải viết những bài ca ngợi những “điển hình tiên tiến”, những “ người tốt”...đểu dù không đến mức trơ trẽn, trắng trợn như vô số những thằng phóng viên khác. Mình vẫn viết những bài theo đơn đặt hàng chỉ vì những bài như thế bao giờ cũng được nhuận bút cao hơn nhiều những bài khác.

     Chính vì luôn cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ mà mình đã tự nhủ sẽ ngay lập tức treo bút khi về hưu, không bao giờ viết báo nữa, thậm chí không bao giờ nhắc đến chuyện mình đã từng làm nghề này khi có ai hỏi đến.